Đập Cánh Giữa Không Trung – thông điệp là gì?


Thật ra “Thông điệp là gì?” là câu hỏi của anh, không phải của tui. Sau khi ra khỏi rạp, tui chưa kịp suy nghĩ gì nhiều, chỉ tạm chấp nhận đây là một giai đoạn trong nguyên cuộc sống của các nhân vật trong phim, không khởi đầu, không kết thúc, thì anh hỏi tui “Thông điệp của phim là gì?”. Mấy ngày sau tui vẫn nghĩ chưa ra. Chắc tại phim nghệ thuật quá, tui kiến thức hạn hẹp không đủ để hiểu.

1. Phong cách:

Phim vừa kết thúc, tui gợi nhớ đến “Bi, đừng sợ”. Cũng khung cảnh ngoài Bắc ngột ngạt, u ám. Cũng chỉ là một giai đoạn của đời người, nhân vật còn chưa biết mình sẽ ra sao thì người xem làm sao biết được. Cũng là những cảnh phô diễn cơ thể trần trụi. Ai dè … credit chạy lên thì Phan Đăng Di trong ê-kip hỗ trợ sản xuất.

2. Cảm xúc:

Tui cảm được những giây phút ghê sợ, kinh tởm khi nhân vật đối mặt với việc giết đi một mạng người. Đôi khi tui còn bị nghẹt thở, bức bối bởi cuộc sống của các nhân vật trong phim. Tui đánh giá cao việc bộ phim đã làm tui thật sự tù túng trong một vài phân đoạn vì việc đem lại cảm xúc cho người xem theo đúng cảm xúc đạo diễn muốn chia sẻ không phải là dễ.

dapcanhgiuakhongtrung
Một cảnnh trong phim (Nguồn: Internet)

3. Những cảnh “trần trụi”:

Tui chấp nhận những cảnh trần trụi trong “Bi, đừng sợ” nhưng không chấp nhận trong phim này, nhất là cảnh diễn viên nữ chính khoe ngực. Khoe đến lần thứ 2, thứ 3 là tui bực mình rồi. Có nhiều cách để thể hiện hành động, tâm lý, nhưng lạm dụng khoe quá tui thấy phim bị câu khách. Nhân vật nam-nữ quan hệ đâu nhất thiết cứ phải khoe ngực, góc máy khác cũng được mà. “Anh yêu em đi, em có sữa rồi đấy”, thoại + góc máy tranh sáng tranh tối cho người xem hiểu đang có hành động gì là đủ, cũng không cần khoe. Nói chung khoe nhiều nên đâm ra bị “rẻ” – cảnh phim rẻ, nhân vật nữ cũng bị rẻ theo.

4. Diễn xuất:

Nguyên phim, thấy Thanh Duy là diễn hay nhất, không tính đến chuyện bạn ấy có bê nguyên bản thân mình vào không, nhưng mà tui coi thấy không bị ngượng nghịu, vậy là tốt rồi. Nói chuyện tự nhiên, cử chỉ tự nhiên, phản ứng của nhân vật tự nhiên.

5. Âm thanh:

Thật ra âm thanh phim rất hay. Tui bị ấn tượng mạnh mới âm thanh mở đầu phim – tiếng của một cơn mưa. Anh thì thích nhất tiếng còi cuối phim. Nói chung là âm thanh của tự nhiên, của cuộc sống xung quanh vào phim rất rõ ràng và rất thực.

6. Thông điệp:

Thử nghĩ xem… bộ phim muốn truyền đạt thông điệp gì? Câu chuyện về một cô gái trẻ, còn đi học, bỗng dưng mang thai với bạn trai. Cô muốn bỏ cái thai đi nhưng vì không có tiền nên những lựa chọn sau đó của cô đã làm cô gái có nhiều thay đổi trong suy nghĩ. Vậy thì phim muốn kêu người ta “không nên nạo phá thai” hả? Hình như không phải.

Tui cho rằng, mọi đau khổ dồn dập đau khổ mà nhân vật chính phải chịu đều do chính bản thân họ, “ngu thì chịu”. Ngu vì đã cho phần con lấn át phần người, dẫn đến mang thai. Ngu nên đi làm gái. Ngu nên dù bạn gái có thai, chàng trai cũng chỉ nghĩ đến phần con mà đi ngủ với gái, lại mê cờ bạc và ăn cắp tiền đi nạo phá thai. Ngu nên thằng bạn trai có quay về thì cũng chịu chấp nhận. Càng ngu hơn khi cô gái dưới con mắt của tui là một người lười biếng lao động, chỉ thích hưởng thụ. Lý do? Bạn sẽ có cảm giác cô gái có sự chuyển biến tình cảm khi “có vẻ yêu” người đàn ông biến thái đúng không? Thật ra, cô bị loá mắt bởi sự giàu sang, sự chu cấp mà ông ta mang lại. Cô không được nâng niu nên khi được nâng niu thì muốn níu lấy. Rồi người đàn ông đó bỏ đi, người bạn trai quay về mang theo một đôi giày đỏ đầy mê hoặc, cô lại sẵn sàng đi theo anh ta, một chàng trai nghèo, ít học, đã từng bỏ rơi cô (?!?). Rồi cũng vì phần “con” nên 2 con người đó lại làm tình với nhau. Nếu như cô vì chới với mà tạm quay lại với bạn trai thì tại sao họ lại phải làm tình.

Tại sao tui phải xem câu chuyện của những con người ít học, cư xử ngu ngốc và chỉ nghĩ đến chuyện thoả mãn dục vọng như vậy? Nghe đồn nước ngoài cũng có bộ phim về một nhân vật “teen” nữ mang thai, nhưng họ lại mang một thông điệp khác về tình cảm gia đình. Còn phim này có gì ngoài sự “thú tính”? Tui không có hiểu, nên tui bị bực mình, một hình ảnh, một cuộc sống không có gì đẹp mà được đem lên màn ảnh cho mọi người cùng coi, sau đó bà con tung hê và khen lấy khen để. Tui nhào vô đọc, nhưng đọc xong tui cũng không thấy thông điệp đâu (?!?)

Đợi mãi không ai chê phim, nên tui mới viết cái này – dù lúc viết tui cũng phân vân lắm, vì đã góp phần PR cho phim.

7. Vì sao phim lại đoạt nhiều giải thưởng của nước ngoài?:

Dưới con mắt thiển cận của một người xem phim bình thường, tui có 2 suy nghĩ như sau (không biết có múa rìu qua mắt thợ không :D):

– Phim cần giải thưởng để có tiếng vang. Người Việt Nam nhìn chung không rành các giải thưởng cho phim trên thế giới. Nhiều khi thấy giải thưởng mà cũng không quan tâm giải thưởng đó là gì, trao cho phim như thế nào, qui mô ra sao, giống mấy bạn người mẫu đi thi Hoa Hậu trời ơi đất hỡi gì đó. Tui kiếm trên mạng mấy giải phim đạt được, cũng hơi ít thông tin, hay tui kiếm sai “từ khoá” ?

– Đạo diễn được sự hỗ trợ từ Phan Đăng Di, một đạo diễn độc lập rất khôn trong việc biết cách tạo ra tiếng vang và kiếm tài trợ cho phim của mình. Phan Đăng Di đã thành công từ “Bi, đừng sợ”, giờ có vẻ đang hướng dẫn cho Hoàng Điệp đi con đường tương tự cho “Đập cánh giữa không trung”. Và phim cũng tự lượng sức mình để chọn những gì vừa tầm.

Ờ… suy nghĩ của tui sau khi xem phim là vậy. Bạn nào xem phim rồi biết thông điệp thì “khai sáng” cho tui nha ^^. Cám ơn.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *