Người làm Marketing lựa chọn sự nổi tiếng nào?


Hiện nay, việc các nhãn hàng chọn một người nổi tiếng nào đó để quảng cáo cho thương hiệu của mình đã quá quen với mọi người. Tui thường nghĩ rằng, nhãn hàng sẽ chọn gương mặt nào:

  • Có hình ảnh tương đồng với nhãn hàng, vì họ chính là đại diện của nhãn hàng đó.
  • Hoặc hình ảnh của người chọn làm quảng cáo tương đồng với đối tượng mục tiêu, để khách hàng thấy được nhu cầu của mình trong nhân vật đại diện.
  • Là một người để người tiêu dùng nhìn vào, yêu thích, ngưỡng mộ, muốn giống như họ nên muốn xài sản phẩm giống thần tượng của mình.
  • Nổi tiếng đủ trong tập khách hàng mục tiêu, để quảng cáo đưa ra sẽ tiếp cận được khách hàng mục tiêu và thuyết phục được tập khách hàng đó chọn mua sản phẩm của mình.

Nhưng mà giờ chọn gương mặt đại diện cũng khá dễ dãi, chỉ cần “nổi tiếng, nhiều người biết đến”, bất chấp là biết đến vì vấn đề gì, xấu hay đẹp cũng không đáng quan tâm. Nếu là biết đến vì những điều tốt đẹp thì tốt. Nếu là biết đến vì những điều không tốt đẹp cũng tốt luôn, nhiều khi còn tốt hơn. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” mà, cứ để nhiều người biết đến trước, rồi từ từ sửa sau cũng được. Người Việt Nam bầy đàn, nhưng được cái mau ghét, nhanh quên, dễ thông cảm :D.

Rộng hơn trong cái hậu quả này là gì?

-Là nhãn hàng bất chấp, cũng đua nhau tạo ra những tin xấu (scandal) để người ta chửi rủa mình, chửi càng hăng tức là càng nhiều người nhắc và nhớ đến mình (ví dụ làm cái event ngay Sở Thú, khuyếch tán mấy thông tin ruồi bu kiến đậu trong sản phẩm của mình …). Sau đó là lên tiếng xin lỗi, tạo dựng hình ảnh đẹp, và dân chúng sẽ hát bài hát “Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại”. Hoặc mấy bạn cứ im lặng trong giông bão, đợi bão đi qua, từ từ rồi xuất hiện trở lại (lúc này thì người tiêu dùng đang bận coi bão bên vùng đất mới rồi, cũng chả còn quan tân chuyện cũ nữa).

-Những người mong muốn trở thành người nổi tiếng sẽ tạo những câu chuyện tào lao, xấu xí, gớm ói để dân chúng bu vô chửi (con này không có sỉ diện, thằng kia bị đứt dây thần kinh nhục, nhỏ này bị chồng bỏ tội quá, thằng kia toàn “cosplay” nghệ sĩ Hàn …), lượng theo dõi cứ thế mà tăng vùn vụt. Sau đó là những ý kiến trái chiều xuất hiện để bênh vực, lý giải, chia sẻ… và những-người-mong-muốn-nổi-tiếng đó, cuối cùng đã nổi tiếng. Họ không được quan tâm bởi những nhãn hàng lớn thì cũng sẽ là những nhãn hàng nhỏ. Đám làm Marketing chỉ biết suy nghĩ ăn xổi ở thì sẽ đua nhau đặt mấy bạn đó quảng cáo; không phải loại quảng cáo lớn (như TVC, Print-Ad…) thì sẽ là loại quảng cáo nhỏ (như Facebook Post, chèn sản phẩm hay nhắc đến thương hiệu trong mấy cái video…). Mấy bạn ấy không ăn được dài thì sẽ ăn được ngắn, còn đỡ hơn không ăn đồng nào. 

Đám bên ngoài nhìn vô thấy dễ ăn, chịu nhục xí, bôi tro trét trấu lên mặt mình 1 thời gian rồi thiên hạ sẽ thái bình, những người tâm Bồ Tát sẽ lại dang rộng vòng tay để thứ tha cho mọi lỗi lầm em lỡ gây nên khoái quá, nhào vô, nhào vô. Gây nên một xã hội quá hỗn loạn, và thúi quắc. Người ta không dọn phân mà cứ tạo hết bãi này đến bãi khác để ruồi bu. Thúi rùm một góc trời!

Nói đi cũng phải nói lại, rất rõ ràng là mấy cái thúi rùm đó ĂN ĐƯỢC, một số (không ít) người-nổi-tiếng bị chửi banh nhà lồng, nhưng cát-sê quảng cáo nhờ đó mà vùn vụt đến khó hiểu, một số doanh nghiệp sau “scandal” vẫn sống tốt và khỏe. Có phải chăng chính những bạn làm Marketing đang dung dưỡng, o bế, và cổ vũ cho việc tạo ra một xã hội bốc mùi như vậy? Mấy bạn không “book” quảng cáo những người-nổi-tiếng đó một cách thiếu suy nghĩ và rần rần như vậy thì mắc gì chúng khoái quá, làm được làm hoài? Mấy bạn không chọn tạo ra những câu chuyện thương hiệu xấu xa thì sao dân chúng có cái nhắc đến. 

Kể một câu chuyện thương hiệu quá hiền lành, đôi khi không đủ độ vang, nhưng tui nghĩ nó sẽ phần nào giúp cho xã hội chúng ta tốt hơn. Nước mình cần làm đúng và làm tốt trước đã, trước khi các bạn quá tham vọng làm một điều gì đó “điên rồ”, “lớn lao”, “đột phá”. Trách nhiệm xã hội không chỉ là làm từ thiện, làm trái đất xanh hơn v.v… mà còn là đừng làm cho xã hội suy đồi hơn nữa. Không biết có bạn làm Marketing nào có suy nghĩ như tui không? Hay tui là một đứa quá nhu mì, và không táo bạo, không đủ tư cách nói mấy chuyện này?

[Hình ảnh trong bài được kiếm trên Google Images]


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *