
Lúc nào cũng vậy, đọc truyện sướng hơn vì được tưởng tượng nhiều hơn. Ban đầu đọc không thích lắm, vì có nhiều tình tiết cảm thấy vô lý. Vì sao vô lý? Vì đọc mà trong đầu chưa vẽ nên được hình ảnh và hành động đó, nhưng chịu tưởng tượng hơn thì phát hiện là do mình đã bó hẹp đầu óc của mình lại rồi nên mới nhìn không ra. Truyện phá bỏ cái “có thể – không thể” trong giới hạn mình tự đặt, và rồi … “dám lắm chứ”
Trong phim, chẳng biết đúng hay không, nhưng mình nhớ rõ cái cảnh Lauren và Arthur nằm trên giường, chỉ nhìn nhau thôi và họ vờ như tay chạm được tay. Đến khi Arthur được tiếp xúc với Lauren lần đầu sau khi cô tỉnh dậy, cũng là lúc trí nhớ của cô quay về. Tức là trước đó, giữa 2 người, tình cảm chỉ được thể hiện qua những cái nhìn và cái vờ chạm tay đó, để lần đầu 2 người nắm tay tại vườn hoa sẽ là giây phút vô cùng ý nghĩa.
Trong truyện khác, hành động cho tình cảm đó đi quá lên cái mà mình dám nghĩ “họ có thể làm được”, sẽ không là gì nếu đó là 2 “người”. Tình cảm đó cuồng nhiệt hơn và thể hiện cũng mãnh liệt hơn.
Có lẽ do vẫn thích những gì nhẹ nhàng nên mình thích cái tình cảm phát triển trong phim và thích cái “vờ như” trong phim. Không thể phủ nhận sự “vượt quá giới hạn” của truyện là điều khiến truyện cuốn hút. Vượt quá giới hạn giữa “người” với “không hẳn là ma”, giữa điều “có thể” và “không thể”, giữa “khó tin” và “biết đâu được” …
Phim kết thúc rõ ràng. Truyện kết thúc mở nhưng với niềm tin là mọi chuyện sẽ đi đúng với những gì nên có.
Về ấn tượng, ấn tượng khi đọc truyện mạnh hơn. Gấp sách lại vẫn còn phải ngẩn ngơ 1 lúc và rà soát sơ lược lại những gì mình đã đọc.