Chơi vơi – Bùi Thạc Chuyên


Phim này coi 2 lần.  Lần 1, sau khi coi ra thấy cảm nhận của mình khác với người đi cùng. Lần 2, vì người đi cùng đang có tâm sự nên coi phim xong chỉ nói chuyện vơ vẩn với nhau chứ không bàn gì về phim.

Không rõ những câu nhận xét như “Coi Chơi Vơi xong cảm thấy rất chơi vơi” là thật hay đùa?

Đọc một vài review về phim, thích nhất vẫn là bài viết trên báo Tuổi Trẻ vì nó gần với cảm nhận của mình nhất. Những bài viết khác mình chả thấy có đồng cảm gì cả. Vì là mình dở không thấy hay là vì film có thể đã bị cắt bớt một vài tình tiết nên bản thân không hiểu được như họ?

1257252520-Poster-choi-voi

Duyên (Hải Yến) là một cô gái còn trẻ. Và như mọi người trẻ khác, cô cũng có những ham muốn rất con người, nhất là sau khi lấy chồng. Người chồng vì quá con nít hay vì lý do mê tín gì đó mà xem cô chỉ như một người ngủ chung giường, và… chỉ đến thế thôi. Cô gặp Thổ – gặp người cho cô thấy rằng mình “cảm nhận được cơ thể của mình rõ ràng nhất” và cô không dứt ra khỏi Thổ được. Cùng là cảnh ngồi trên taxi, sau tay lái của chồng, nhưng đầu phim là một cô gái còn ngây thơ, hơi con nít với đôi mắt trẻ trung, tò mò chào đón cuộc sống vợ chồng phía trước; còn cuối phim là một người đàn bà trông trầm tính hơn, đôi mắt nhiều suy nghĩ hơn và lạc lối hơn cho cuộc sống sau này.

Thích nhất là vai Cầm (Linh Đan). Cầm là một nhà văn, có cá tính và vẻ ngoài làm cho người ta thấy lạnh lùng. Có người chê rằng giọng nói trong phim cứ trơ trơ không cảm xúc. Cũng đúng chứ  sao?  Làm sao giọng nói của Cầm có thể lên xuống truyền cảm khi mà lời cô nói ra không phải là lời cô thật sự muốn nói? Nếu cô không nói chuyện lạnh lùng như vậy thì làm sao cô giấu được cảm xúc của mình trước Duyên? Thích đôi mắt của Cầm lắm … đen và sâu. Thích ánh mắt Cầm nhìn Duyên, buồn!

Thích những lời thoại nói về câu chuyện của người này nhưng cũng như thay cho tâm trạng của người khác. Thích cảnh 2 người đàn bà đang xông mình… gần mà xa … kiểu như “đồng sàng dị mộng” vậy.

Thổ (Jonny Trí Nguyễn) – một nhận vật xuất hiện ít. Cũng không rõ lắm Thổ và Cầm là quan hệ ra sao? Thổ có thật sự yêu Duyên hay đơn giản là, cả 2 chỉ thoả mãn ham muốn của nhau mà thôi. Biết rằng, dù Thổ là loại người gì thì Thổ cũng có người yêu mình và cũng là người có lòng trắc ẩn.

Hải (Duy Khoa) là một người chồng trẻ con, hoặc là một đứa trẻ làm chồng. Có người nhận xét cảnh quay của phim rời rạc, mỗi cảnh chỉ có tí xíu, không link gì cả. Bản thân không đồng ý. Đúng là độ dài cho mỗi cảnh quay không nhiều nhưng chúng đều bổ sung cho nhau, thấy rõ nhất là khi khắc hoạ nhân vật Hải này. Hải là con trai trưởng, được mẹ rất nuông chiều và dù lớn rồi thì vẫn như một đứa con nít.  Vợ đi xa, anh buồn cũng vì anh không thích ở một mình. Cô bé hàng xóm đến nhà, anh cũng rủ ở lại ngủ với anh bởi vì anh đã quen có người ở cạnh bên. Cũng không hiểu giữa anh và cô bé đó có gì không nữa. Đoán là không. Nhưng mà ly rượu thuốc anh uống dùng để làm gì?

Chiếc áo – một diễn viên không thật sự “mở miệng” nhưng vẫn nói lên nhiều điều. “Chả hiểu cái áo để làm gì? Tại sao lại cắt cái áo làm chi?”. Ý nghĩa lắm chứ! Chiếc áo thêu tay tỉ mỉ là niềm hy vọng, sự mong muốn của một người mẹ dành cho con gái mình… mong con sẽ có hạnh phúc sau này với người con yêu. Con không thể mặc, con không thể có được hạnh phúc như bình thường. Chiếc áo trao tay cũng như trao lại lời chúc hạnh phúc đến người nhận. Nhưng sau đêm tân hôn, chiếc áo vẫn chỉ được lấy ra, mặc vào và trút bỏ khi người mặc phải thay một chiếc áokhác  cho ngày mới. Chiếc áo bị cắt và rách … niềm mong ước không thành … của mẹ, của con, của người được nhận … đúng là có cái gì rách thật … là những mối quan hệ? là tình yêu? là nỗi đau? Thích chiếc áo, vì nó làm mình phải suy nghĩ và vỡ lẽ.

Cuối phim, cuộc sống cứ thế, mỗi người đều có những công việc, trách nhiệm và suy nghĩ riêng của mình. Họ vẫn cặm cụi sống. Đến đâu hay đến đó. Lững lờ cho hết tháng ngày. Vì chính họ cũng không biết mình đang ở đâu và thật sự làm gì …


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *